Hiếu Dân/Phòng Kỹ thuật
Trong quá trình mua đàn bò từ các địa phương khác về, người chăn nuôi thường gặp hiện tượng bò bỏ ăn, bị sốt, bị suy giảm sức đề kháng dẫn đến bộc phát một số bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Hiện tượng trên thường được người dân gọi là “chói nước”, còn trong chuyên môn thì gọi là hiện tượng stress do vận chuyển và thay đổi môi trường sống.
“Chói nước” hay stress do vận chuyển và thay đổi môi trường sống được hiểu là vật nuôi có biểu hiện bất thường (bệnh) khi chúng ta vận chuyển vật nuôi từ nơi này sang nơi khác. Điều này được lý giải là do khi vận chuyển vật nuôi đã bị stress và khi đến môi trường sống mới vật nuôi lại tiếp tục bị stress. Kết quả là một loạt các phản ứng nội tiết ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trao đổi chất can thiệp vào hệ miễn dịch, sức khỏe, sinh trưởng, sinh sản,… Từ đó, vật nuôi giảm tăng trọng, giảm sức đề kháng và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Như vậy, bản thân hiện tượng “chói nước” không phải là bệnh lý truyền nhiễm, tuy nhiên đây là yếu tố mở đường cho các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh Lỡ mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục,… hay các bệnh ký sinh trùng đường máu trên bò bộc phát. Và khi xảy ra các bệnh truyền nhiễm trên đàn bò mới mua về, chúng sẽ lây lan nhanh chóng sang đàn bò nhà, từ đó gây thiệt hại nặng về kinh tế.
Về biểu hiện của stress, người chăn nuôi có thể quan sát được ngay trong quá trình vận chuyển đàn bò hoặc sau khi vận chuyển 2 - 3 ngày. Đầu tiên bò sẽ có biểu hiện mệt mỏi, sợ hãi, ủ rũ, khát nước do bị nhốt trên phương tiện vận chuyển. Sau đó khi về đến nơi ở mới đàn bò sẽ lười vận động, giảm ăn, giảm nhai lại, sốt nhẹ, thở nhanh, tiêu chảy,…. Nếu trước đó bò chưa được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm thì sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh truyền nhiễm như chảy nước dãi, nước mũi, loét miệng, chướng hơi, sưng hầu họng,… Nếu nuôi nhốt đàn bò mới mua về chung với đàn bò nhà thì bệnh sẽ lây lan nhanh sang đàn bò nhà gây thành dịch, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Để giảm tác hại do stress khi vận chuyển và thay đổi môi trường sống, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất: trước khi vận chuyển bò cần đảm bảo rằng bò đã được tiêm ngừa đầy đủ và đang được bảo hộ với các bệnh truyền nhiễm nguy hiễm như Lỡ mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục,...
Thứ hai: Trước, trong và sau khi vận chuyển cần cho bò ăn/uống có bổ sung thêm các sản phẩm chứa vitamin và beta-glucan để chống suy nhược và tăng khả năng chống chịu với stress.
Thứ ba: trước khi vận chuyển không nên cho bò ăn quá no, không đánh đập, rượt đuổi. Khuyến cáo nên vận chuyển vào những lúc trời mát. Nếu di chuyển đường xa cần chuẩn bị thêm thức ăn, nước uống cho bò.
Thứ tư: trong quá trình vận chuyển cần giảm mật độ bò trên phương tiện vận chuyển, tránh vận chuyển vào buổi trưa nắng gắt. Sử dụng lưới, mành che chắn nắng để đảm bảo độ thông thoáng. Có thể cho bò nghỉ ngơi nơi bóng râm và uống nước, ăn thêm cỏ nếu vận chuyển đường xa trên 4 giờ.
Thứ năm: Sau khi vận chuyển đến nơi mới cần để bò nghỉ ngơi, cho uống nước trước rồi cho ăn sau. Không được tắm cho bò để tránh trường hợp bò bị cảm do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Cần cho bò ăn loại thức ăn đã ăn trước đó, tránh thay đổi thức ăn đột ngột.
Thứ sáu: nuôi cách ly bò ít nhất 2 tuần để theo dõi và kiểm tra sức khỏe. Nếu bò không có biểu hiện bất thường thì mới cho nhập đàn và thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng theo quy trình kỹ thuật.
Vì vậy, để đảm bảo cho vật nuôi mới mua về có thể thích nghi tốt với môi trường sống mới, người chăn nuôi cần lưu ý đến hiện tượng “chói nước” hay stress do vận chuyển và thay đổi môi trường sống. Việc thực hiện đồng bộ các khuyến cáo trên sẽ giúp cho người chăn nuôi ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại do stress trong quá trình vận chuyển và thay đổi môi trường sống./.