Trúc Đào/Phòng Kỹ thuật
Cây lúa là cây trồng chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của tỉnh Long An nói riêng. Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan (như nắng nóng kéo dài, hạn, mặn, xì phèn, mưa giông,...) do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến tình hình sản xuất lúa. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), hàng năm canh tác lúa nước phát thải tương đương 43,79 triệu tấn CO2, chiếm 49,35% tổng lượng phát thải của nghành nông nghiệp. Qua đó cho thấy, phát thải từ canh tác lúa nước là một trong số nguyên nhân góp phần gây nên tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023 về Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” và Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã phê duyệt Quyết định số 3176/QĐ-UBND, ngày 05/4/2024 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Long An (gọi tắt là Đề án).
Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Long An nhằm phổ biến các giải pháp khoa học và công nghệ góp phần thực hiện thành công Đề án. Ngày 25/10/2024, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp ứng dụng công nghệ trong thực hiện chương trình canh tác lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính”. Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An và Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đến tham dự và đồng chủ trì hội thảo. Ông Hoàng Đình Cán - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu được lắng nghe 02 báo cáo chuyên đề. Theo Th.s Trần Thị Mộng Thi - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV và QLCLNS chia sẻ thông tin liên quan đến kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sống Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Long An trong thời gian tới như sau: Đề án sẽ được triển khai thực hiện qua 02 giai đoạn, trên địa bàn của 8 huyện/thị xã (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, thị xã Kiến Tường, Thủ Thừa và Đức Huệ). Trong đó, diện tích vùng chuyên canh lúa của vùng Đề án ở giai đoạn 1 (từ năm 2024 - 2025) là 60.000 ha, giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030) là 125.000 ha; với tổng số hộ tham gia đến năm 2030 là 50.831 hộ. Nhằm xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, do đó mục tiêu của Đề án cần đạt đến năm 2025 đối với canh tác bền vững như sau: lượng giống gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha; lượng phân bón hóa học, lượng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học và lượng nước tưới sử dụng cho cây lúa đều giảm 20%; đồng thời, được chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng. Tương tư, mục tiêu cụ thể của Đề án cần đạt đến năm 2030 như sau: lượng giống gieo sạ dưới 70 kg/ha; lượng phân bón hóa học và thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học đều giảm 30%; lượng nước tưới sử dụng cho cây lúa giảm 20%; đồng thời, được chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, đối với việc bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, Đề án đã đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như sau: Tỷ lệ rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đến năm 2025 là 70%, đến năm 2030 là 100%; cường độ phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống đến năm 2025 và năm 2030 đều giảm trên 10%. Bên cạnh đó, mục tiêu tạo giá trị gia tăng cho chuỗi lúa gạo đến năm 2025 tăng 30% và đến năm năm 2030 tăng 40%; đồng thời, lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp trong vùng chuyên canh lúa đến năm 2025 và năm 2030 tăng trên 20%.
Để góp phần đạt được mục tiêu của Đề án, Th.s Trần Diễm Trúc Đào đã chia sẻ tại hội thảo về vai trò của Khoa học và công nghệ, cũng như những giải pháp ứng dụng Khoa học và công nghệ đối với canh tác lúa giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và bền vững trong chuyên đề “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và bền vững”. Theo đó, việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng vai trò then chốt trong canh tác lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Long An nói riêng. Việc áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ là chìa khóa để giải quyết những khó khăn trong canh tác lúa, trong bối cảnh tình hình sản xuất lúa chịu ảnh hưởng rất lớn của “Biến đổi khí hậu”. Các giải pháp công nghệ mới, tiên tiến ứng dụng trong sản xuất lúa (bao gồm giống lúa và quy trình canh tác từ khâu làm đất, gieo sạ cho đến thu hoạch và sau thu hoạch) gắn liền với Đề án sẽ hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải, tăng năng suất, tăng trưởng xanh và phát triển nông nghiệp bền vững tại Long An; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển một triệu hec-ta lúa phát thải thấp và tăng trưởng xanh tại vùng ĐBSCL đến năm 2030. Đồng thời, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo bền vững của Việt Nam và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã đưa ra rất nhiều ý kiến xoay quanh các mục tiêu của Đề án, đặc biệt là việc thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng sau thu hoạch và vấn đề sử dụng phân bón để giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Phan Văn Khiêm - nông dân ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa đại diện cho một số ý kiến của nông dân dự hội thảo phát biểu ý kiến liên quan đến chỉ tiêu thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng của Đề án. Theo ông Khiêm, các nhà khoa học cho rằng “việc đốt rơm rạ hoặc cày vùi rơm rạ sau thu hoạch phát sinh ra khí phát thải, gây nên tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên, bản thân là nông dân, luôn trăn trở việc thu gom hoàn toàn rơm rạ khỏi đồng ruộng, liệu đất trồng lúa trong tương lai sau khi thu gom hoàn toàn rơm khỏi đồng ruộng thì cục đất có trở thành cục gạch hay không?”. Bởi lẽ, theo ông Khiêm quan niệm “đất là nền tảng để nông dân sản xuất, cái gì lấy đi từ đất nên trả về cho đất thì sản xuất mới về vững”.
Theo Ông Nguyễn Thanh Tùng - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Long An - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Long An cho biết: về mặt chuyên môn trong số các mục tiêu đặt ra của Đề án, vấn đề quản lý rơm rạ sau thu hoạch để đạt được mục tiêu 70% đến năm 2025 và 100% năm 2030 là một bài toán khó. Bởi lẽ, trong sinh khối của cây lúa gồm hạt lúa, rơm và gốc rạ; nếu sau thu hoạch thu gom rơm khỏi đồng ruộng thì vẫn còn gốc rạ, do đó quản lý gốc rạ trên đồng ruộng và rơm rạ vụ Hè-Thu như thế nào. Ngoài ra, rơm rạ chính là dinh dưỡng mà cây lúa lấy từ đất, nếu mang hết toàn bộ rơm khỏi đồng ruộng, sau một thời gian đất sẽ thiếu chất hữu cơ, dẫn đến suy thoái nghiêm trọng. Vì vậy, ngoài việc thực hiện để đạt được mục tiêu của Đề án, cần tính toán đến việc bảo vệ sức khỏe của đất nói chung và đất trồng lúa nói riêng theo Quyết định số 3458/QĐ-BNN-BVTV, ngày 11/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050”. Do đó, Ông Nguyễn Thanh Tùng đã đưa ra một số ý kiến đề xuất liên quan đến vấn đề quản lý rơm rạ sau thu hoạch, vấn đề sử dụng thuốc BVTV và sử dụng phân bón để sản xuất lúa bền vững; đồng thời, cần phát huy vai trò của Tổ Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ). Sau ý kiến phát biểu của Ông Nguyễn Thanh Tùng và Ông Phan Văn Khiêm, Ông Võ Thành Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chia sẻ tại hội thảo: “Đề án 1 triệu hec-ta lúa sắp triển khai thực hiện và Đề án Ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa mà TTDVNN tỉnh thực hiện thời gian qua có 02 vấn đề chung giống nhau là liên kết bao tiêu và quản lý rơm rạ sau thu hoạch. Trong đó, việc quản lý rơm rạ sau thu hoạch (không đốt và không vùi) để giảm phát thải nhà kính là một vấn đề nan giải, đặc biệt là quản lý rơm rạ trong vụ Hè-Thu. Do đó, cần nghiên cứu đến việc sử dụng sản phẩm vi sinh phân hủy gốc rạ trên đồng ruộng nhằm rút ngắn tiến trình phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện yếm khí; mặc khác góp phần hoàn trả lại dinh dưỡng và chất hữu cơ cho đất”.
Ông Dương Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An chia sẻ về vai trò của Tổ KNCĐ trong việc triển khai và thực hiện Đề án trong thời gian tới. Theo Ông Tuấn, trên địa bàn tỉnh Long An hiện nay đã thành lập các Tổ KNCĐ. Tuy nhiên, thành viên của Tổ KNCĐ ở cấp xã lại có chuyên môn đa dạng; thông tin và kiến thức về canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và bền vững còn khuyết. Do đó, Trung tâm DVNN tỉnh sẽ nâng cao năng lực cho Tổ KNCĐ trong thời gian sắp tới nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Đề án.
Như vậy, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thông qua hội thảo này, các cơ quan chuyên môn và đại diện Hội nông dân các xã, huyện trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ cùng nhau những khó khăn vướng mắc, cũng như đưa ra những ý kiến đề xuất rất thiết thực. Để trong quá trình triển khai và thực hiện Đề án, ngành Nông nghiệp sẽ có những giải pháp phù hợp để người nông dân hưởng ứng, tin và làm theo. Bởi lẽ, người nông dân đóng vai trò then chốt trong việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất lúa. Nông dân là người trực tiếp thực hiện các giải pháp kỹ thuật mới, góp phần tạo nên tính khả thi và hiệu quả của các giải pháp khoa học và công nghệ trong điều kiện thực tế./.