*** Liên hệ tư vấn kỹ thuật, mua sản phẩm 02723 820 202; 02723 526 310; 02723 826 997 ***

Thông tin tuyên truyền

Hội thảo ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa


Sơn Thuận/Phòng KN và DVNN

 

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa giúp thay thế sức lao động con người, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm công lao động ở nông thôn; đồng thời, giảm bớt chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày 10 tháng 02 năm 2025 tại hộ Ông Lê Thanh Rai thuộc ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An; Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An (Trung tâm) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Hóa tổ chức hội thảo chuyên đề “Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa” cho 44 đại biểu là đại diện cho UBND, Hội nông dân, cùng nông dân trồng lúa tại các xã Thạnh Phú, Thạnh Phước, Thuận Bình và Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa tham dự.

Trước khi diễn ra hội thảo, các đại biểu được tham quan trực tiếp mô hình sạ lúa theo cụm đang ở giai đoạn chín và được nghe báo cáo sơ bộ về kết quả ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại Long An từ khâu cải tạo đến làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch và thu gom rơm. Hội thảo cũng giới thiệu đến nông dân trong vùng sản xuất lúa tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới về cơ giới hóa trong canh tác lúa nhất là khâu gieo cấy. Để thay thế sức lao động của con người trong sản xuất lúa thì hiện nay có khá nhiều các thiết bị công nghệ cơ giới hóa đang được khuyến cáo áp dụng, cụ thể như:

Một là khâu cải tạo đất, san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ tia Laser, đây là công nghệ san phẳng thực hiện trong điều kiện đất khô. Phương pháp này nhằm mục đích hỗ trợ người dân quản lý mặt bằng đồng ruộng, dễ kiểm soát cỏ dại, hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là ốc bươu vàng, tăng diện tích đất hữu hiệu, giảm lượng giống gieo sạ, phân bón phân bố đồng đều thuận tiện cho việc sử dụng máy cơ giới trong canh tác cũng như thu hoạch để đem lại hiệu quả kinh tế hơn, sử dụng nước và các kỹ thuật khác một cách hiệu quả hơn.

Hai là khâu gieo sạ, ứng dụng phương pháp sạ hàng/sạ cụm bằng máy. Việc áp dụng phương pháp này đem lại một số hiệu quả như: tiết kiệm hạt giống (chỉ 60 - 80 kg/ha); hạn chế sâu bệnh hại, lúa ít đổ ngã, thuận tiện cho việc thực hiện cơ giới trong khâu chăm sóc, thu hoạch và góp phần làm tăng năng suất.

Thứ ba là công nghệ cấy lúa bằng máy. Phương pháp cấy đem lại hiệu quả cao trong tiết kiệm lượng giống (lượng giống gieo sạ chỉ từ 50 - 60 kg/ha); hạn chế sâu bệnh gây hại đặc biệt ốc bươu vàng; lúa ít đổ ngã, dễ thực hiện cơ giới trong khâu chăm sóc, thu hoạch và góp phần làm tăng năng suất. Mặc dù có nhiều lợi ích, nhưng hiện nay máy cấy lúa chưa được ứng dụng rộng rãi tại vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Long An nói riêng vì chi phí đầu tư cho máy khá cao so với năng lực sản xuất nhỏ lẻ, điều này khiến bà con vẫn còn e ngại chưa mạnh dạn áp dụng.

Hội thảo đã giúp cho nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong canh tác lúa, đây là cũng một trong những giải pháp giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và hướng tới phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, ứng dụng một số thiết bị mới như: máy sạ hàng kết hợp bón vùi phân, máy cấy lúa kết hợp bón vùi phân, thiết bị bay không người lái thực hiện sạ hàng,…. nhằm thay thế sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất./.



Các tin khác: